You are here
Home > Sách

Ta làm gì trên thế gian này? (Tuyết, Orhan Pamuk)

“Thưa thi sĩ Ka, ông không giấu đã từng là người vô thần nữa. Có khi ông vẫn là người vô thần cũng nên. Vậy ông hãy nói, ai làm cho tuyết rơi, đằng sau tuyết có ẩn giấu bí mật gì?”

Trong chốc lát, mọi người đều nhìn từ nhà ga vắng ngắt ra ngoài, nhìn tuyết rơi xuống đường ray trống trải trong ánh đèn tuýp.

Ta làm gì trên thế gian này? Ka nghĩ. Trông từ xa những bông tuyết mới bất lực làm sao! Cuộc đời ta thảm hại làm sao! Người ta sống, tàn tạ và biến mất, ông nghĩ, một mặt mình đang trôi qua, mặt khác vẫn còn tồn tại. Ông vẫn còn mang tình yêu trong lòng, ông đi trong yêu thương và buồn rầu theo con đường đã xác định cho đời mình, như mọi bông tuyết đang rơi. Ông nhớ đến bố mình có mùi hương của một loại nước cạo râu nào đó. Trong khi lần theo mùi hương ấy, ông nhớ đến đôi chân lạnh của mẹ ông xỏ giày trong nhà khi chuẩn bị bữa sáng trong bếp, đến lược chải đầu, đến thuốc ho màu hồng ngọt lừ mà ông uống khi nửa đêm bị cơn ho đánh thức, đến cái thìa trong mồm, đến tất cả những thứ vụn vặt góp lại thành cuộc sống, và khi nghĩ về việc chúng liên hệ với nhau thành tổng thể, ông nghĩ đến bông hoa tuyết…

Và như thế Ka nghe tiếng gọi từ sâu thẳm mà chỉ những thi sĩ đích thực mới nghe được và chỉ trong khoảnh khắc cảm xúc sáng tạo, tiếng gọi duy nhất khiến ông hạnh phúc. Sau bốn năm trời lần đầu tiên một bài thơ đang đến với ông, và cho dù chưa nghe rõ từng lời, ông biết bài thơ đã tự mình hoàn thiện. Ngay khi còn chưa xuất đầu lộ diện, bài thơ đã tỏa sáng sức mạnh và vẻ đẹp của số phận, khiến ông hạnh phúc tràn trề. Ông nói với ba cậu bé là ông đang vội vã rời khỏi nhà ga trống trải nhập nhoạng. Ông vội về khách sạn dưới trời tuyết chỉ nghĩ đến bài thơ sắp viết ra. – tr.100


#Tuyết #OrhanPamuk #LeQuang dịch

Tôi vẫn cố gắng giữ thói quen viết của mình là phải trích dẫn gì đó. Lý do vì tôi luôn nghĩ những thứ tôi viết là rởm là vô nghĩa, nên tôi muốn khỏa lấp chúng bằng những thứ trích dẫn có ý nghĩa của ai đó. Và giờ tôi đã hiểu ý nghĩa của sự vô nghĩa ấy là cuộc đời này!

Hôm trước có bạn inbox hỏi thăm tình hình sức khỏe của tôi. Bạn có tế nhị hỏi rằng tôi đang sống một mình hay với ai? Tôi trả lời rằng tôi có một gia đình hạnh phúc, với một người chồng yêu thương tôi cùng hai thiên thần nhỏ. Có lẽ khi tôi chia sẻ về bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu của tôi, mọi người sẽ thấy bất ngờ. Có lúc tôi cũng nghĩ, phải chăng vì mình “sướng quá hóa dồ” khi mà tôi có một gia đình êm ấm, một công việc ổn định. Nhưng khi bệnh rồi thì tôi lại thấy những bệnh về tinh thần cũng liên quan đến thể chất. Vì thể chất của tôi có vấn đề nên tôi bị bệnh. Và bị bệnh rồi tôi cũng mới hiểu muốn chết cũng có thể chữa được.

Dù bị bệnh nhưng tôi không hề nghĩ đến chuyện tiêu cực như nhiều người bị bệnh luôn phải đấu tranh với ý nghĩ đến cái chết. Thậm chí tôi còn thấy sợ cái chết, sợ sự cô đơn và sợ sự vô nghĩa của cuộc đời này. Có những lúc tôi thấy mọi điều trên đời chẳng để làm gì cả, ai rồi cũng sẽ tan biến vào hư không vậy thì tại sao con người ta vẫn cứ sống. Trước đây tôi luôn theo đuổi một mục đích ý nghĩa nào đó, thì giờ đây tôi sống vì sự vô nghĩa. Tôi thấy sự vô nghĩa cũng đáng giá vô cùng, nó giúp tôi và tất cả chúng ta sống, tồn tại. Trước đây tôi coi rẻ sự tồn tại thì giờ đây tôi thấy nó cũng là một phần ý nghĩa của cuộc đời.

Nhân vật nhà văn Ka trong tác phẩm Tuyết của Orhan Pamuk đã viết rằng:

“Khi hạnh phúc trong thi ca không đạt được thì chúng ta lẩn mình trong bóng đen của chính trị.”

“Được hạnh phúc là tôi thấy đủ.””Thế thì đi đi, đi ngay đi… Nhưng hãy biết là không ai có được hạnh phúc khi thấy chỉ cần được hạnh phúc là đủ!”


Có lẽ tôi vừa trải qua cuộc khủng hoảng tuổi 30 và đi đến tận cùng của hạnh phúc, là giờ đây, tôi nhận thấy hạnh phúc không phải là cảm thấy đủ mà là cả lúc thiếu. Cảm xúc bây giờ của tôi là luôn luôn thấy: “Cuộc sống càng đầy lên càng cảm thấy trống rỗng“. Đây là câu nói của tôi cách đây 10 năm trước, càng sống tôi càng thấy đúng. Và giờ tôi nhận ra rằng: khi ta chấp nhận được cái thiếu thì lúc đó ta đã đủ.


#Hanhfm

Comments

comments

Leave a Reply

Top