You are here

Vài Suy Nghĩ Về Vấn Đề Tưởng Niệm – Đoàn Nhã Văn


Năm 2011, làng văn nghệ VN mất đi hai tên tuổi lớn: Phạm Công Thiện và Nguyễn Đức Quang; một, trong làng chữ nghĩa, và người kia, trong làng âm nhạc. Họ mất đi, để lại sự thương tiếc trong lòng người đọc, người nghe, và người thưởng ngoạn. Trong sự tiếc thương đó, nhiều nơi, nhiều diễn đàn đã tổ chức: Tưởng Niệm.

Tưởng niệm là một điều tốt, nên làm. Vì đó là sự biểu lộ của lòng thương mến đối với người đã mất.

Ở những tưởng niệm đó, tôi đọc được nhiều điều từ những người bạn, những người hâm mộ viết về người đã ra đi. Ở những bài viết ấy, phần lớn tôi thấy người ta viết về những kỷ niệm. Viết về quá khứ, về hoài niệm dễ lôi kéo người đọc hiện tại, vì nó hé lộ những điều ít ai biết về người đã mất, trừ người viết bài đó.

Ở đó, tôi cũng thấy người ta khen nức nở một điều gì đó của người đã khuất mà rất hiếm những chứng cứ rõ ràng và rất thiếu những lập luận vững chắc về những lời khen có cánh, bay trên những tầng cao vút ấy. Chẳng hạn, nói Phạm Công Thiện không là (a), không là (b), v.v và v.v, mà đích thị là một thi sĩ lớn, mà chỉ trích đoạn 1 bài thơ chỉ có 2 câu: “Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn / cây khế đồi cao trổ hết bông”. Viết như vậy, tôi nghĩ người đã khuất cũng chắc gì vui. Chẳng hạn, nói ông là 1 nhà tùy bút xuất sắc, mà không đưa ra được một bài tùy bút nào để so sánh với những bài tùy bút của những người viết đương thời, cũng không chắc gì làm ông hoan hỉ.

Ngược về quá khứ, ở những lần tưởng niệm khác, tôi thấy nhiều người nói/viết, quá sa đà vào cái “tôi” quá lớn. Ở đó: người đọc/nghe thấy những kỷ niệm, những tháng ngày mà người viết đã có với người đã mất, dường như không thể nào kiểm chứng, và cũng dường như: giữa họ và người đã mất có một sự gắn kết lớn lao nào đó, mà hằng hằng những người khác, còn trên dương thế không hề nhìn thấy.

Một người bạn văn nghệ, vong niên của tôi, từng cho biết: “những tháng cuối đời của Nguyễn Tất Nhiên, bạn bè xa lánh ông, người quen cố tránh mặt ông. Không ai dám chứa chấp một Nguyễn Tất Nhiên tâm thần bất định”. Chính người bạn đó từng cho nhà thơ NTN ở mấy tháng trong nhà. Và dĩ nhiên, ở trong trạng thái bất định, NTN đã tạo ra không ít những khó khăn chung cho gia đình anh, trong khi trong gia đình có cả người già và em nhỏ. Anh nói: đến lúc không thể chứa Nhiên được nữa, anh mới bảo Nhiên ra đi. Vậy mà, khi NTN mất, có nhiều người từng tránh mặt Nhiên, lại quay ra bù lu bù loa: Nhiên ơi, Nhiên hỡi, viết những bài tưởng niệm rất ư là thống thiết…” Anh bạn tôi nói: tôi khinh những kẻ đó. Anh bạn tôi dám “khinh”, vì anh đã làm, đã sống tử tế với người đã khuất. Còn tôi, tôi chưa làm được, nên chỉ biết lắng nghe.

Mới đây, khi Ó Đen – Lý Tống nằm xuống, tôi biết/thấy rất nhiều người xưa nay chẳng hề “qua lại” gì với ông cũng lên diễn đàn kể lễ kỷ niệm này kia. Lại có người biết Lý Tống từ trước, và ông sống cảnh chật vật trước khi ông mất, họ cũng chẳng quan tâm gì. Vậy mà trong đám tang của ông, cũng có những người như vậy lên phát biểu những lời nghe sao thống thiết. Hơn thế nữa, cũng có những người đã từng dè biểu ông (sau một số những việc ông đã làm), vậy mà cũng bù lu bù loa nói rằng anh là kim chỉ nam của họ trong đời sống. Còn nhiều nữa, nếu chúng ta chứng, nghe nhiều việc trong suốt đám tang ông.

Tôi thầm nghĩ: có lẽ chúng ta có thể làm tốt hơn những bài phát biểu, những bài viết Tưởng Niệm. Chẳng hạn:
• Hãy sống tử tế với họ, trước khi họ mất.
• Hãy mang lại niềm vui nho nhỏ nào đó cho họ, khi họ còn sống, nếu có thể.
• Hãy nói hay viết về họ trước khi họ ra đi. Có như vậy, họ mới biết rằng: người khác đã nghĩ về họ như thế nào. Nếu viết về quá khứ, về những kỷ niệm với họ, thì càng nên viết trong lúc họ còn sống. Bởi nếu viết sai (vì thời gian làm chúng ta quên đi nhiều chi tiết), thì cũng cho họ có cơ hội 1 lần lên tiếng. Nếu khen họ thì cũng nên cho họ biết tại sao họ xứng đáng được gọi như thế, chứ không phải vì họ vừa nằm xuống, đột nhiên họ trở thành ngôi sao Bắc Đẩu. Nếu cho rằng: họ là một tay đao phủ, cũng nên cho họ một lần cãi chính. Vì thế: viết về ông Trịnh, ông Phạm, ông Nguyễn v.v., sau khi họ ra đi, thì cũng chỉ là chúng ta đọc với nhau mà thôi. Mà không chừng phần lớn những điều được nghe/đọc sau khi họ mất chưa chắc gì đã đúng.

Tôi chợt nghĩ: khen một người đã khuất, thì thường có bao giờ sai, theo đạo nghĩa Á Đông. Nhưng mà tốt hơn, có lẽ chúng ta hãy viết về họ, hãy nói về họ, hãy đến bên họ, khi họ còn sống. Làm như thế, có lẽ “hay” hơn là đợi họ nằm xuống, rồi thống thiết trước đám đông về nỗi đau buồn của mình. Tôi nghĩ vậy.


Còn bạn, bạn nghĩ sao?









Đọc được bài viết này trên Facebook của bạn, mà không có nút share, nên bạn bảo copy về.Trong bài chia sẻ bạn cũng viết:

“nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời vào ngày 20 tháng 3. thành thật mà nói, đây là mất mát to lớn cho văn đàn Việt vốn im lặng nay thêm lặng im và quạnh hiu. “theo lệ”, sẽ có nhiều bài tụng ca, hoặc bỉ bôi tác giả; đó là một phần của điều gọi là cuộc sống. vàng thau lẫn lộn, tung lên tận mây xanh hay đá thẳng xuống tầng sâu nhất của địa ngục là chuyện của mỗi cá nhân. để tránh những ngộ nhận trước sau, mình chia sẻ bài viết của tác giả Đoàn Nhã Văn mình lưu tầm một năm trước, không nghĩ rằng hôm nay dùng được rồi ngỡ tác giả vừa viết hôm qua… xin mời các bạn đọc.”

Comments

comments

Leave a Reply

Top